Shopping Cart

Total Items:
SubTotal:
Tax Cost:
Shipping Cost:
Final Total:
  • Có lẽ do trượt đại học 3 năm, bầu Đức đồng cảm với người chưa có cơ hội ngồi trên giảng đường nên HAGL sẵn sàng tuyển người không bằng cấp, miễn là làm được việc.

    HAGL tuyển người không bằng cấp

    Trên thế giới, nhiều tỷ phú như Bill Gates hay Mark Zuckerberg sẵn sàng từ bỏ giấc mơ đại học để khởi nghiệp. Và họ đã thành công rực rỡ. Ở Việt Nam, ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) – Chủ tịch Hội đồng quản trị Hoàng Anh Gia Lai không có được may mắn như vậy. Bầu Đức chưa có 1 ngày nào ngồi trên ghế nhà trường dù nỗ lực thi đại học tới 3 lần.

    Có lẽ chính vì vậy, bầu Đức đồng cảm với những người thiếu may mắn như mình nên Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) không quá câu nệ chuyện bằng cấp. Những ai thiếu mảnh giấy nho nhỏ này vẫn có cơ hội bước chân vào tập đoàn lớn nhất nhì Việt Nam. Đây là điều khá đặc biệt vì ở Việt Nam, bằng cấp vốn rất được coi trọng.

    Lý do HALG sẵn sàng đón nhận người không bằng cấp rất đơn giản. Trong khi luôn đánh giá cao bằng đại học, bầu Đức cũng tâm niệm: đại học không phải là tất cả. Mặc dù không có bằng đại học, nhưng bầu Đức cho biết, ông không bao giờ tự ti về điều này. 

    Bầu Đức 3 năm trượt đại học, HAGL tuyển người không bằng cấp


    “Bạn bè tôi rất đông, hồi lớp 12 ra trường 40 – 50 người, trong đó đỗ đại học hơn 30 người, sau 20 năm gặp nhau, tất cả đều như nhau, không ai hơn ai. Mỗi người mỗi việc, ai cũng đều có quyền thành đạt ở lĩnh vực chuyên môn của mình, đừng bao giờ nghĩ không học là không thành đạt” – ông Đoàn Nguyên Đức nhấn mạnh trên GDVN.

    Ông khẳng định: “Đại học không phải là tất cả, không phải có bằng đại học mới làm được việc lớn. Đại học chỉ là kiến thức nền, kiến thức cơ bản, nó có ý nghĩa với thầy giáo, giáo sư, nhà khoa học, bác sỹ,… còn trong kinh doanh thì hoàn toàn không lệ thuộc”.

    Với quan niệm này của bầu Đức, HALG rất rộng cửa cho những ai thiếu bằng cấp. Trong năm 2012, khi tổng lượng nhân sự của HAGL trên 20.000 người thì trong tay bầu Đức có khoảng 6.000 nhân viên có bằng đại học. 

    Nhưng theo đánh giá của bầu Đức, trong số 6.000 người này, có rất nhiều người không làm được việc, không phải ai cũng thành đạt. Bên cạnh đó có những người không bằng đại học vẫn giữ những vị trí rất quan trọng, chủ chốt trong tập đoàn. Thậm chí, một kế toán trưởng của công ty đi lên từ con số 0 trong nghề vì anh chỉ có bằng... sư phạm.

    Cách tuyển dụng của HAGL cũng khá khác người. Những ai muốn làm việc tại Tập đoàn này thì đừng mong mua báo rao vặt chờ ngày HAGL đăng tin tuyển dụng. HAGL không bao giờ làm điều đó. Khi cần người, HAGL sẽ thông báo cho cán bộ công nhân viên của mình biết để truyền thông điệp cho người nhà, anh em, bạn bè. Người có nhu cầu xin việc sẽ tự nộp hồ sơ để đến phỏng vấn. 

    Không bằng không có nghĩa không học

    HAGL sẵn sàng chấp nhận những người chưa có bằng cấp vào công ty nhưng không chấp nhận những người không có nỗ lực học hỏi và vươn lên. Bản thân bầu Đức là ông chủ nhưng ông cũng phải tự học hỏi rất nhiều trên “trường đời”.

    Bầu Đức chia sẻ: “Tôi không có bằng đại học là đúng nhưng người ta tưởng tôi không học là hiểu lầm. Ở trường đại học, các bạn chỉ học có 5 năm còn tụi tôi học trường đời tới 35 năm rồi”. 

    Các cán bộ cấp cao ở HALG cũng thấm nhuần tư tưởng của bầu Đức nên ai cũng trong trạng thái “vừa học vừa làm”. Bầu Đức tiết lộ một kế toán trưởng được đánh giá cao của HALG có khởi điểm chỉ là sinh viên Đại học Sư phạm. Vì không xin được việc ở Hà Nội nên phải lên Gia Lai đầu quân cho HAGL. 

    Vị kế toán trưởng này đã cố gắng học thêm ngoại ngữ, trau dồi kiến thức và trở thành cán bộ cấp cao. Nhờ sự quyết tâm cao và lòng say nghề nhưng rất khiêm nhường, anh này đã được bầu Đức cử đi đào tạo thêm ở nước ngoài 4 năm, sau đó đề bạt làm đại diện chi nhánh tập đoàn tại Singapore. 

    "Trường hợp cán bộ này không phải là hiếm ở Hoàng Anh Gia Lai" – Bầu Đức khẳng định trên Vnexpress. 

    Vì đề cao tinh thần học hỏi nên trong báo cáo thường niên 2014, ngay trong phần đầu tiên giới thiệu về nhân sự, HAGL khẳng định: “Trải qua 21 năm hình thành và phát triển, cho đến nay, đội ngũ nhân sự của HAGL không chỉ tăng về số lượng mà còn không ngừng phát triển, liên tục trau dồi kinh nghiệm và nâng cao kiến thức chuyên môn”.

    Sau 2 thập kỷ hoạt động, đến nay, khi tổng nhân sự đã lên tới con số 24.111 người, dường như HAGL vẫn chưa thay đổi quan niệm “vào trước, học sau” của mình.

    Khi tuyển dụng, đa số các công ty khác đều ưu tiên “người có bằng thạc sỹ”, “người có bằng tiến sỹ”,... thì HAGL lại xác định “Trong dài hạn, Tập đoàn ưu tiên nguồn nhân lực ở địa phương vì có tính ổn định và chất lượng khá cao”.

    Bên cạnh đó, Tập đoàn có chính sách đặc biệt ưu đãi những người địa phương có năng lực thực sự và có đạo đức tốt đang làm việc ở các thành phố lớn trở về làm việc tại TP. Pleiku và các vùng dự án”.

    Vì đề cao việc học nên hiếm có nhân viên nào của HAGL không được đào tạo. HAGL khẳng định: “Việc đào tạo và huấn luyện các kỹ năng, chuyên môn cần thiết được thực hiện tại nơi làm việc hoặc đào tạo các khóa học bên ngoài theo kế hoạch đào tạo của Tập đoàn được lập từ đầu năm”.

    Chính vì quan niệm không có bằng cấp nhưng vẫn phải học nên HAGL không quan tâm đến xuất phát điểm của nhân viên, thậm chí lãnh đạo cấp cao, miễn là tất cả phải cố gắng học hỏi, trau dồi. Chính vì vậy, hiện nay,... ngoài bầu Đức, tất cả lãnh đạo cấp cao của HAGL đều ít nhiều sở hữu một tấm bằng.

    Ví dụ, ông Đoàn Nguyên Thu, em trai bầu Đức có bằng thạc sỹ quản trị kinh doanh, ông Nguyễn Văn Sự - nguyên TGĐ có bằng cử nhân kinh tế, ông Võ Trường Sơn, TGĐ có bằng thạc sỹ Tài chính và cử nhân luật,... 

    Bên cạnh việc đề cao tinh thần học hỏi, HAGL còn ưu tiên những người có đạo đức, khiêm nhường. Bầu Đức khẳng định HAGL không bao giờ tuyển dụng những người “chảnh chọe”. Theo bầu Đức, ngay cả người thành công rồi vẫn cần phải khiêm nhường và tiếp tục học hỏi.

    Bầu Đức tiết lộ, với HAGL đạo đức là một trong những tiêu chí hàng đầu khi tuyển dụng nhân sự, sau đó mới đến năng lực, kiến thức.

    Nguồn tin: Bảo Linh


  • Nhà sản xuất phần mềm lớn nhất thế giới Microsoft đã đưa ra đề nghị mua lại hãng điện toán đám mây Salesforce với giá 55 tỉ USD nhưng thất bại, theo CNBC.

    Microsoft thất bại trong thương vụ thâu tóm khổng lồ
    Satya Nadella - CEO của Microsoft (trái) và Marc Benioff - CEO của Salesforce - Ảnh: fortune

    Theo đó, Microsoft đã thực hiện một thương vụ thâu tóm khổng lồ, có thể xem là lớn nhất trong năm 2015 và cũng lớn nhất trong lịch sử của Microsoft. Tuy nhiên, sau nhiều lần đàm phán thương vụ này đã đổ vỡ do hai bên không đạt được thỏa thuận như mong muốn.

    CNBC cho biết Microsoft muốn bỏ ra khoảng 55 tỉ USD để thâu tóm hãng Salesforce nhưng Marc Benioff, CEO của Salesforce ra giá phải hơn 70 tỉ USD.

    Hiện tại, Salesforce đang được định giá thị trường ở mức giá 49 tỉ USD.

    Được biết, Salesforce là công ty phần mềm có trụ sở tại San Francisco, California (Mỹ), nổi tiếng nhất với các sản phẩm Chăm sóc khách hàng (CRM) và các giải pháp dịch vụ đám mây. Salesforce còn xếp thứ 27 trong Top 100 công ty đáng để làm việc nhất của Fortune năm 2012.

    Salesforce được sáng lập vào năm 1999 bởi Benioff, một cựu giám đốc điều hành của hãng phần mềm nổi tiếng Oracle.

    Việc Microsoft muốn mua lại Salesforce là nhằm sử dụng các giải pháp đám mây của hãng này áp dụng vào công nghệ điện toán đám mây Azure và Office 365 của mình.

    Năm 2013, Microsoft cũng đã từng thực hiện một thương vụ mua bán nổi tiếng trong lịch sử ngành công nghệ, khi mua lại bộ phận di động của Nokia. Tuy nhiên, mức giá của thương vụ này khi đó chỉ là 7,2 tỉ USD.

    Hiện cả Microsoft và Salesforce đều từ chối bình luận về các thông tin nói trên.

    Thành Luân
    Nguồn tin: Từ internet


  • Bắt đầu với việc buôn bán bắp nướng từ năm 12 tuổi, giờ đây bà Lượng, doanh nhân người Lào gốc Việt có trong tay hàng triệu USD từ kinh doanh cà phê.

    Sinh ra trong già đình nghèo, chỉ được học đến lớp 4, nhưng đam mê kinh doanh đã có từ sớm trong con người bà Lê Thị Lượng. Thời kỳ ấy, gia đình khó khăn, là chị cả của 8 đứa em nên mới 12 tuổi bà đã phải quán xuyến công việc từ kiếm tiền cho đến chuyện bếp núc trong gia đình. Công việc đầu tiên mà bà chọn là bán bắp nướng, rồi chuối nướng ngoài chợ Pakse, tỉnh Champasack.

    “Thượng vàng hạ cám cái gì tôi cũng làm. Tôi luôn có suy nghĩ họ làm được thì mình cũng làm được, nên mỗi lần ra chợ bán bắp nướng tôi luôn quan sát xem những mặt hàng nào hút khách là tôi mày mò và tìm cách chế biến thật ngon để phục vụ người tiêu dùng ở chợ. Đến năm 15 tuổi, tôi chuyển sang bán chè rồi bán kem”, bà Lượng kể.

    Khi có gia đình riêng, bà nghĩ sẽ an phận nhưng khao khát kinh doanh luôn trỗi dậy. Thấy được nhu cầu về hàng hóa tiêu dùng của người dân, bà quyết định mở một quầy tạp hoá. Khi Nhà nước Lào chủ trương phát triển kinh tế tư nhân, bà lập ngay công ty xuất nhập khẩu và xin mở các cửa hàng miễn thuế. Đến nay, bà sở hữu 4 cửa hàng miễn thuế tại Lào và chính những cửa hàng này giúp bà có khối tài sản rất lớn để đầu tư vào cà phê.

    Triệu phú tiền đô khởi nghiệp từ bắp nướng
    Nữ doanh nhân Lê Thị Lượng, sinh năm 1949 là người Lào gốc Việt. (Ảnh: Hồng Châu)

    Năm 1997, Nhà nước Lào khuyến khích người dân chú trọng phát triển trồng cà phê xuất khẩu, gia đình bà Lượng cũng được chia 300ha đất. Sau khi được cho đi học kinh nghiệm ở tỉnh Gia Lai (Việt Nam), đến năm 2000 bà bắt đầu tiếp cận trực tiếp với việc trồng cà phê. Với số vốn 3 triệu USD, bà nhân giống cà phê trên 100ha đất. Nhưng chỉ sau một năm, cà phê bị sương muối cháy khô, toàn bộ chi phí bỏ ra coi như mất trắng, nhưng bà luôn suy nghĩ “thua keo này ta bày keo khác” nên không ngại làm lại từ đầu. Từ đó bà Lượng rút ra được kinh nghiệm chăm sóc, nuôi dưỡng cây cà phê và phát hiện ra rằng thời tiết, cũng như chất đất của Lào phù hợp để trồng cà phê Arabica. Đến nay, bà mở rộng diện tích vườn lên 250ha và xây dựng nhà máy sản xuất cà phê khép kín 200 triệu USD với trên 200 công nhân.

    Việc cho ra thành phẩm vẫn đầy rẫy khó khăn. “Ban đầu vì cả tin nên khi mua máy sản xuất, bao bì đóng gói tôi đều bị lừa. Cũng do thiếu kỹ thuật giỏi nên việc điều chỉnh nhiệt độ trong phòng đóng gói chưa tốt khiến sản phẩm bị cứng. Nhưng những lần thất bại trên vẫn không làm tôi nản lòng, tôi nghĩ còn tiền là còn làm, hết tiền tôi mới buông”, bà bộc bạch.

    Cuối cùng sau bao khó khăn, việc đưa thương hiệu cà phê của bà cũng đến được với người tiêu dùng không chỉ ở Lào mà còn xuất khẩu được sang các nước như Nhật Bản, Thái Lan, Thụy Sĩ, Singapore… Mới đây, bà Lượng vừa ký kết hợp đồng khoảng 6 triệu USD với một đối tác phân phối tại Việt Nam. Cuối tháng 3, sản phẩm cà phê mang thương hiệu “Dao Coffee” sẽ xâm nhập toàn bộ các hệ thống siêu thị và 80.000 đại lý tại 64 tỉnh thành ở Việt Nam.

    Hiện doanh thu một tháng tại công ty bà khoảng 2 triệu USD. Năm 2013, sản lượng cà phê nhân bà thu hoạch ở vườn nhà và từ nông dân đạt 10.000 tấn. 50% bà dùng để xuất khẩu sang Nhật, 50% còn lại để sản xuất ra sản phẩm cuối cùng mang thương hiệu “Dao Coffee”.

    Chia sẻ về bí quyết chiếm lĩnh 90% thị phần cà phê ở Lào, bà Lượng cho hay yếu tố đầu tiên là biết tạo ra nguồn cung.

    “Ngoài việc tự trồng, tôi còn vận động người dân tham gia bằng cách hỗ trợ họ giống, kỹ thuật trồng, phân bón, đồng thời cung ứng gạo để nông dân không đói. Đến khi thu hoạch họ sẽ đem cà phê đến giao, nếu thừa tôi trả thêm tiền cho họ, thiếu tôi cho họ vay”, bà Hương chia sẻ.

    Nhờ thế, tới nay bà đã vận động được hơn 68 bản làng (hơn 2.000 hộ gia đình) cung cấp cà phê. Để có cà phê ngon chất lượng bà quy định người dân phải thu hoạch đúng thời điểm, trái cà phê phải chín mọng. Nếu cà phê còn xanh bà sẽ ngưng mua và trả lại. Một yếu tố khác khiến người dân tin tưởng và hài lòng là giá thu mua cà phê tươi của của bà luôn cạnh tranh hơn so với những doanh nghiệp khác.

    Về sản xuất cũng vậy, bà Lượng không đầu tư công nghệ sấy cà phê, mà chọn cách đầu tư 30ha đất để xây sân phơi. Việc này giúp bà không phải trả chi phí điện nước, máy móc, mà dùng khoản tiết kiệm đó tăng lương cho nhân viên, lo chỗ ăn chỗ ở cho họ. Ngoài ra, theo bà, cà phê được phơi khô tự nhiên mùi vị sẽ thơm ngon hơn cà phê sấy, “thậm chí cách xa cả km bạn vẫn ngửi thấy mùi thơm nồng nàn của cà phê”, bà nói.

    Bà Lượng cũng bộc bạch, vì là người cầu toàn nên bà luôn tự nêm nếm mùi vị. Trong quá trình chế biến, bà tình cờ phát hiện ra có rất nhiều giống cà phê đặc biệt, nếu biết cách pha trộn sẽ có những sản phẩm riêng biệt. Sau khi nghiên cứu và cho ra mùi vị riêng, bà bắt đầu viết ra công thức chung để chế biến hàng loạt.

    (Theo VOV)


  • Chàng doanh nhân trẻ Yin Sang, 22 tuổi, đã là chủ của 3 công ty trong khi những bạn bè cùng lứa vẫn đang đi xin việc làm. Anh cũng là người trẻ nhất được vinh danh trong top “30 người thành công dưới 30 tuổi” của Trung Quốc.

    Doanh nhân 'karaoke' Trung Quốc: Thành công ở tuổi đôi mươi
    Yin Sang, doanh nhân “karaoke” lọt vào danh sách '30 người thành công dưới 30 tuổi' - Ảnh chụp màn hình China Daily

    Khát khao làm nên những điều khác biệt

    Yin Sang là đại diện cho thế hệ trẻ Trung Quốc sinh trong thập niên 90, thế hệ được sinh ra trong thời kỳ bùng nổ internet (1994) và không trải qua nghèo đói, khủng hoảng nhiên liệu. Yin Sang mê khởi nghiệp từ bé nhưng hướng đi của anh không tập trung vào lĩnh vực điện tử, công nghệ như tập đoàn Alibaba của tỉ phú Jack Ma.

    Chàng doanh nhân trẻ cho biết anh vẫn kế thừa sự phát triển của công nghệ, từ lớp cha anh đi trước nhưng con đường sự nghiệp của anh sẽ đánh vào việc phát triển đời sống tinh thần cho giới trẻ, theo China Daily.
    Cụ thể, Yin Sang đã sáng lập và hiện là giám đốc điều hành của công ty “Sing with Us Holding”, một công ty phần mềm hát karaoke có liên kết trực tiếp với mạng xã hội. Sự ra đời của phần mềm này đã làm thay đổi cách hát karaoke truyền thống ở Trung Quốc. Người hát có thể chia sẻ giọng hát, đặc biệt có thể mời bạn bè hát chung khi ngoại tuyến (không có kết nối internet).

    Trước đó, với sự hỗ trợ của cha mẹ, Yin sang Mỹ học ngành kinh doanh nhưng đến năm thứ 2 đại học, chàng trai quyết định tạm ngưng việc học và khởi nghiệp. “Tôi cảm thấy không hối tiếc, vì sớm muộn gì tôi cũng phải khởi nghiệp", anh nói.

    Năm 2014, Yin Sang có tên trong danh sách 30 người thành đạt dưới 30 tuổi (30 under 30) của Trung Quốc, do tạp chí Forbes bình chọn. Anh cũng là người trẻ nhất góp mặt trong danh sách vinh dự này.

    "Như cuộc đua marathon, không ai biết bạn, nếu bạn không chạy"

    Yin Sang cho biết ước mơ là yếu tố cần thiết nhưng nó không đủ trong hành trình lập nghiệp của anh. Cách thức kinh doanh, vốn liếng, kiến thức tài chính mới là những yếu tố giữ vững cho ước mơ gầy dựng sự nghiệp.

    Anh quan niệm dù cho thời đại internet bùng nổ, ý tưởng con người ngày một táo bạo, nguyên lý của kinh doanh vẫn không bao giờ thay đổi. Anh vẫn sẽ như bao doanh nhân thành công ở thế hệ trước, làm việc với tinh thần trách nhiệm, chín chắn, tận lực và luôn tiên phong.

    Yin Sang chia sẻ: “Trở thành doanh nhân như cuộc đua marathon. Chẳng ai biết đến bạn nếu bạn không hoàn thành hết chặng đua. Vốn liếng là bước đầu tiên, nhưng nó chưa hẳn là sự bắt đầu”, theo China Daily.
    Theo số liệu của Trung tâm Nghiên cứu Doanh nghiệp Quốc gia, Trường đại học Kinh tế và Quản lý Bắc Kinh, Trung Quốc đứng thứ 22 trong danh sách 70 nước có số doanh nhân khởi nghiệp từ sớm.

    Huỳnh Mai




  • Trong một cuộc thảo luận bàn tròn, 4 doanh nhân Todd Pedersen, Josh James, Ryan Smith và David Elkington đã cùng chia sẻ những bí quyết thành công của mình.

    4 doanh nhân đứng sau các công ty tỷ đô chia sẻ bí quyết thành công

    Todd Pedersen là nhà sáng lập của Vivint, một công ty tự động hóa nhà ở có trụ sở tại Provo, Utah. Công ty này đã được bán cho Blackstone với giá 2 tỷ USD.

    Josh James là nhà sáng lập ra Domo, một công ty phần mềm trí tuệ kinh doanh có trụ sở tại American Fork, Utah. Công ty này gần đây đã huy động được 200 triệu USD và được định giá khoảng 2 tỷ USD.

    Ryan Smith là nhà sáng lập của Qualtrics, một công ty phần mềm khảo sát tại Provo, Utah được định giá hơn 1 tỷ USD.

    Và David Elkington là nhà sáng lập của InsiderSales, một công ty phần mềm bán hàng tại Provo, Utah gần đây được định giá 1,5 tỷ USD

    Cuộc thảo luận tập trung vào hành trình trở thành doanh nhân, những gì họ đã học được và lời khuyên họ đưa ra cho những doanh nhân tham vọng.

    Dưới đây là 3 bí quyết thành công của các doanh nhân này:

    1. Tìm ra điều thôi thúc bạn

    Các doanh nhân cần được thúc đẩy bởi mong muốn chứng minh một người nào đó sai.

    Để thể hiển rõ điều này, James kể rằng ông đã có một cuộc trò chuyện thân mật với một nhà đầu tư tiềm năng rất quan tâm đến công ty đầu tiên của ông ấy (Omniture). Trong khi đang trò chuyện, nhà đầu tư đột nhiên hỏi "Trụ sở công ty anh ở đâu?". James trả lời rằng ở Utah. Sau đó nhà đầu tư ngừng nói chuyện, không hề nói lời tạm biệt và quay bước đi.

    James mô tả lại câu chuyện một cách rất chi tiết mặc dù sự kiện này đã diễn ra gần 20 năm trước.

    Ông nhớ như vậy vì thường xuyên nghĩ về nó: Đó là khoảnh khắc quan trọng đối với James. Khi nhìn chằm chằm vào phía sau nhà đầu tư vừa bước đi, James đã xác định rằng ông sẽ không chỉ khiến cho công ty của mình thành công mà còn phải xây dựng danh tiếng của Utah như một trung tâm công nghệ.

    2. Tuyển những người giỏi và đứng sang một bên

    Đây là điểm chung của tất cả 4 doanh nhân. Họ kể rất nhiều câu chuyện nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tuyển dụng những nhân viên tuyệt vời. Trên thực tế, họ cho rằng đây là điều quan trọng nhất mà người sáng lập công ty cần làm.

    Pedersen hài hước miêu tả mình "Chỉ là một anh chàng công tử bột có thể bán hàng". Mặc dù điều này chỉ là sự đơn giản hóa những tuyệt chiêu của ông, nhưng nó chỉ ra rằng ông ấy cần ra ngoài và tuyển những người có kỹ năng hoạt động, quản lý, phát triển kinh doanh và các nhu cầu kinh doanh quan trọng khác.

    Dù khởi đầu với một vài kỹ năng khiêm tốn nhưng ông đã nhanh chóng mở rộng nó bằng cách tuyển dụng những người phù hợp và làm những công việc đó.

    3. Đừng làm việc để hướng tới lối thoát

    Các doanh nhân hồi tưởng lại những lần họ nhận được lời đề nghị mua lại công ty của mình. Đối với một số người điều này xảy ra khá sớm và thường xuyên, trong khi những người khác nhận được ít lời đề nghị hơn nhưng chúng đều rất có ý nghĩa.

    Tất cả họ đều cảm thấy rằng các doanh nhân nên làm việc hướng tới mục tiêu mình đặt ra mà không bao gồm lối thoát của người sáng lập.

    Smith đã chia sẻ rằng tất cả những gì ông hướng tới trong suốt 7 năm qua là Qualtrics và khi ông nghĩ về việc bán lại công ty, ông nhận ra rằng mình không muốn làm bất cứ điều gì ngoại trừ việc điều hành Qualtrics. Vậy tại sao lại phải bán?

    James cũng nói về giai đoạn sau khi ông bán công ty lớn đầu tiên của mình Omniture. Sau khi vụ mua bán hoàn thành, ông đã cảm thấy rất lo lắng và muốn nhanh chóng bắt đầu một cái gì đó mới mẻ. Ông nhận ra rằng mình không thể tách ra khỏi thế giới kinh doanh và muốn xây dựng một công ty khởi nghiệp khác.

    Là doanh nhân, thật tuyệt vời khi có thể học hỏi kinh nghiệm từ những doanh nhân đã đạt được một mức độ thành công đáng kể. Và mặc dù 4 doanh nhân trên còn chia sẻ khá nhiều điều khác nhưng chủ đề xuyên suốt trong buổi thảo luận là hãy nhận thức được giới hạn của mình, có những mục tiêu nhưng quan trọng nhất là thành thật với chính bạn và tận hưởng niềm vui.

    Lam Hoàng-Entrepreneur
    Nguồn tin: Từ internet

  • Một công ty Mỹ đang khởi công xây dựng nông trại lớn nhất thế giới rộng gần 7.000 m2, trồng rau sạch bằng công nghệ khí canh, ước tính cung cấp hơn 900 tấn rau mỗi năm cho người dân thành phố Newark, bang New Jersey,

    Công nghệ trồng rau không dùng đất và nước
    Rau trồng bằng công nghệ khí canh. Ảnh: Independent
    Aero Farms là công ty chuyên trồng rau lá của Mỹ. Hiện nay, công ty này đang canh tác hơn 200 giống rau, sử dụng công nghệ khí canh. Theo đó, cây được trồng trên hệ thống nhà giàn. Rễ cây được phun tưới bằng dung dịch giàu dinh dưỡng, tiết kiệm nước tối đa.

    David Rosenberg, giám đốc điều hành kiêm nhà sáng lập Aero Farms cho biết, kết quả là rau ngon hơn, khỏe mạnh hơn cách trồng rau ngoài trời truyền thống.

    "Chúng tôi sử dụng hạt giống không biến đổi gene. Cây sinh trưởng mà không cần phun bất kỳ loại thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ hay diệt nấm nào," Rosenberg nói.

    Hiện nay, công ty đang xây dựng một nông trại ở ba nhà máy luyện thép cũ tại thành phố Newark. Việc xây dựng sẽ hoàn thành cuối năm nay, và nông trại này sẽ trở thành nơi trồng rau sử dụng công nghệ khí canh lớn nhất thế giới.

    "Chúng tôi đang cố gắng thay đổi triệt để cách tiếp cận nông nghiệp," Marc Oshima, đồng sáng lập Aero Farms cho biết. "Đó và việc mang thực phẩm đến tận nơi tiêu dùng."

    Công ty hiện đang điều hành nhiều trang trại trồng rau khí canh tại các đô thị lớn ở Mỹ. Mỗi năm, họ có thể thu hoạch 30 vụ.

    Những loại rau trồng như cải xoăn và rau chân vịt có thời gian sinh trưởng từ 30-40 ngày ở cánh đồng ngoài trời, ông Oshima nói. Tuy nhiên, nếu được nuôi trồng bằng công nghệ khí canh, sử dụng đèn LED chiếu sáng và cung cấp dinh dưỡng qua lớp vải tấm làm nền đất, thời gian giảm xuống còn 12-16 ngày.

    Theo Independent, công nghệ này có nhiều ưu điểm. Tại Mỹ, hầu hết cây rau lá được trồng ở khu vực Arizona hoặc Salinas, bang California, nơi có khí hậu ấm áp. Tuy nhiên, xây dựng nông trại ngay thành thị, giúp tiết kiệm thời gian vận chuyển rau ra thị trường, đồng thời cắt giảm năng lượng dùng trong vận chuyển.

    Công ty này dự định phát triển lên 25 trang trại trong vòng 5 năm tới, và đang tìm cơ hội xâm nhập thị trường Anh. Họ cho biết, công nghệ này giúp tiết kiệm 95% nước so với trồng rau truyền thống trên cánh đồng, và tăng năng suất rau chân vịt lên 70 vụ/năm so với cách cũ.

    "Bằng cách này, chúng tôi kiểm soát được mọi yếu tố ảnh hưởng tới sinh trưởng," ông Oshima cho biết. "Chúng tôi kiểm soát khoảng 10.000 điểm dữ liệu trong quá trình cây sinh trưởng."

    Công nghệ trồng rau không dùng đất và nước
    Mô hình nông trại đang xây dựng ở Newark, bang New Jersey. Ảnh: Independent
    Nông trại đang được xây dựng ở Newark có tổng diện tích 69.000 m2, bao gồm cả văn phòng, phòng thí nghiệm cũng như quán cà phê. Dự án được Gold Sachs, tập đoàn đa quốc gia của Mỹ, được tạp chí Forbes xếp hạng một trong 500 doanh nghiệp lớn nhất thế giới, rót 39 triệu USD vốn đầu tư.

    "Sáng kiến canh tác kiểu nông trại thẳng đứng của Aero Farms sẽ giúp thúc đẩy nền kinh tế địa phương, thúc đẩy người dân sử dụng thực phẩm sạch, và hỗ trợ môi trường phát triển bền vững," Margaret Anadu, giám đốc điều hành tập đoàn đầu tư Urban thuộc Goldman Sachs nói. "Quan trọng hơn, dự án này còn tạo ra việc làm chất lượng cao cho người dân địa phương."

    Liên Hợp Quốc dự đoán, dân số thế giới sẽ tăng từ hơn 7 tỷ người hiện nay, lên 9,6 tỷ vào năm 2050. Toàn cầu đang phải đối mặt với sự thay đổi khí hậu, cũng như mất dần đất nông nghiệp do đô thị hóa.

    Theo CCTV, hơn 50% dân số trong tương lai sẽ sống ở khu vực đô thị. Do đó, nông trại thẳng đứng trồng rau sạch hứa hẹn trở thành phương pháp canh tác chính trong tương lai, sử dụng không gian để trồng trọt, thay vì đất như truyền thống.

    Hồng Hạnh
    Nguồn tin: Từ internet


  • Facebook nên mua mảng bản đồ HERE của Nokia ngay bây giờ nếu muốn chống lại các đối thủ khác đã có giải pháp bản đồ riêng.

    Vì sao Facebook nên mua Nokia HERE?

    Nokia đang muốn bán mảng bản đồ HERE còn Facebook nằm trong danh sách những người mua tiềm năng. Mạng xã hội này nên nhanh chóng đưa ra quyết định, bởi cách phòng thủ tốt nhất chính là tấn công. Một lợi thế của Facebook là không phải tranh giành với các “ông lớn” công nghệ khác như Google, Apple.

    Hai công ty này đều đang sở hữu giải pháp bản đồ riêng và dường như không có lý do gì để mua HERE. Ngay cả khi bản đồ Apple không tốt như các dịch vụ khác, công ty chắc chắn không muốn loại bỏ nó để tích hợp HERE hoặc bắt đầu lại từ số 0. Google cũng vậy. Hãng tìm kiếm Internet đã đầu tư lượng lớn công sức, thời gian, tiền bạc để hoàn thiện bản đồ của mình, vì vậy mua giải pháp ngoài như HERE là điều vô nghĩa. Google còn sở hữu Waze và dễ dàng hòa trộn hai dịch vụ với nhau. Thêm người thứ ba càng khiến mọi thứ rắc rối.

    Câu chuyện tương tự đúng với cả Microsoft đang có trong tay Bing Maps. Vừa hoàn thành xong vụ thâu tóm mảng di động của Nokia, có lẽ Microsoft không còn hứng thú với HERE.

    Mặt khác, Facebook là mục tiêu chính của HERE. Theo TechCrunch, một số cái tên khác cũng đang cân nhắc bao gồm Uber, Yahoo, Samsung và Tencent. Dù vậy, nếu HERE được bán cho Facebook, đây sẽ là giao dịch có ý nghĩa nhất.

    Hiện tại, đã có dấu hiệu cho thấy HERE đang được triển khai trong các dịch vụ mà Facebook cung cấp. Dù chưa được công khai, Facebook xác nhận đang thử nghiệm bản đồ HERE trong một vài ứng dụng Android như Instagram, Messenger. Tuy vậy, mạng xã hội này không sử dụng HERE làm bản đồ mặc định trong ứng dụng Facebook chính cho iOS, Android.

    Phát ngôn viên Facebook chỉ cho biết, Nokia HERE được thử nghiệm để mang lại trải nghiệm bản đồ nhất quán. Tất nhiên, việc thử nghiệm không phải dấu hiệu chắc chắn rằng Facebook sẽ rút ví ra mua HERE, nhưng Facebook nên làm thế. HERE là hệ thống bản đồ giàu tính năng, đáng tin cậy, có thể mang về một lớp dữ liệu người dùng xoay quanh các dịch vụ địa điểm, hướng đi các công ty đang theo đuổi. Từ đó, nó mở ra cơ hội kiếm tiền mới cho các doanh nghiệp đang muốn tiếp cận người dùng.

    Nếu Facebook không mua HERE, một công ty khác sẽ nhảy vào và mạng xã hội lớn nhất thế giới lại tiếp tục với một vòng đàm phán hoàn toàn mới hoặc tìm kiếm giải pháp khác thay thế HERE. Khi mà giới công nghệ đang háo hức với xe hơi tự hành và tập trung vào công nghệ ô tô, có thể một hãng sản xuất xe lớn sẽ nhanh chóng mua lại bộ phận bản đồ quý giá của Nokia để phục vụ mục đích của mình.

    Vì thế, Facebook nên quyết định trước khi quá muộn.

    Theo ICTnews/TNW